VAI TRÒ CỦA MẠNG XÃ HỘI VÀ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRÊN MẠNG INTERNET


Ngày nay internet trở thành một công cụ tra cứu, khai thác cập nhật thông tin trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt đối với mạng xã hội đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, nhất là giới trẻ. Với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng internet đặc biệt là mạng xã hội có thể vượt qua mọi khoảng cách về không gian, thời gian để tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách dễ dàng. Mạng xã hội thực sự đang tác động mạnh mẽ vào lối sống và văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nó vừa mang lại những lợi ích to lớn nhưng cũng đem đến không ít phiền toái cho người dùng, đặc biệt việc lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin của cơn quan, đơn vị.
Thông qua mạng xã hội, mọi người trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm giữa con người với nhau.
Trong thời đại hiện đại, mạng xã hội với tri thức đa dạng, phong phú, vô cùng hấp dẫn, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bởi giới trẻ thường tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu mới mẻ của khoa học kĩ thuật tiên tiến, của công nghệ thông tin hiện đại. Bên cạnh mặt tích cực, Internet cũng có những mặt tiêu cực tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng sợ, nếu như con người sử dụng nó không đúng mục đích thiết thực và tốt đẹp. Đến với Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng mở ra một thế giới sống động, đem đến rất nhiều cơ hội về công việc, sự nghiệp cho mỗi chúng ta, là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người hiện nay. Trước hết, Internet là kho thông tin khổng lổ về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi người có thể tra cứu những thông tin liên quan trên mọi lĩnh vực: khoa học, kĩ thuật, công nghệ, văn học, nghệ thuật… Internet còn là một trường học không giới hạn về thời gian, không gian. Các chương trình đào tạo trực tuyến của các trường Đại học danh tiếng trong nước và trên thế giới luôn với nội dung và phương pháp dạy học phù hợp, hiện đại. Đây là hình thức giáo dục – đào tạo từ xa ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả không hề nhỏ luôn sẵn sàng chào đón mọi sinh viên với mọi độ tuổi ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. Trong lĩnh vực quản lí điều hành xã hội của hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở khi triển khai qua hệ thống internet đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là các cuộc giao ban trực tuyến của chính phủ với các tỉnh thành, giữa các bộ ngành trung ương với các đơn vị cơ sở đã rút ngắn được thời gian làm việc, tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên những thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng, độ tin cậy, tính trung thực của các thông tin trên không gian mạng phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người đăng tải. Đối tượng sử dụng mạng xã hội rất đa dạng, từ các cán bộ công chức, viên chức nhà nước, các ông chủ tập đoàn kinh tế, học sinh sinh viên, đến các bà nội trợ…
Đặc biệt, với các thế lực thù địch phản động thì mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để chúng tuyên truyền, bôi nhọ, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, lôi kéo các phần tử chống phá cách mạng.
Trong đó, chúng tập trung truyền bá các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tính chất phản động, mục tiêu chống phá thể hiện như: xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Do đặc thù của mạng xã hội là tốc độ truyền thông tin nhanh chóng, nên những quan điểm sai trái trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến rất nhiều đối tượng. Thực tế cho thấy không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên – đối tượng thường xuyên tiếp cận với các mạng xã hội. Và hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, làm sa sút suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet, làm thất bại âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, giữ vững niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, cần thực hiện tốt một số vấn đề đó là:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước với hệ thống thông tin đại chúng, đặc biệt là các quy định về việc đăng tải các thông tin lên mạng internet nhất là mạng xã hội. Đó là việc định hướng chính trị cho các cơ quan thông tin đại chúng, chỉ rõ những vấn đề cần đấu tranh, những nội dung cần đi sâu phân tích lý giải, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc chống phá. Kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ không để lọt các bài viết, các ấn phẩm có nội dung xấu xuất hiện trên các website chính thống. Vừa khai thác có hiệu quả những lợi ích của thông tin mạng đem lại, đồng thời ngăn chặn những luồng thông tin độc hại. Cần phải sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, các quy định, cơ chế chính sách, quy chế bảo mật thông tin, kỷ luật, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phát hiện đấu tranh, ngăn ngừa chống các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.
Phát huy sức mạnh của các tổ chức, cơ quan đoàn thể cả trong hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên mạng internet. Huy động toàn dân tham gia, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng ý thức tự giác, tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái. Kịp thời ngăn chặn không cho các quan điểm sai trái phát tán trên mạng internet tác động vào các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan chính quyền, quân đội, công an, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cần thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet. Tổ chức các lực lượng đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, tư tưởng chính trị lệch lạc.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân mạng trong cuộc đấu tranh chống DBHB trên mạng internet. Phải làm cho toàn dân thấy được đấu tranh chống DBHB đó là cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra một cách toàn diện, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng…. từ đó tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động chống phá của kẻ thù.
Bên cạnh đó cần tăng cường khả năng “tự đề kháng” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đấu tranh phòng chống DBHB trên mạng internet. Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin, tất cả những sự kiện xẩy ra trong nước cũng như trên thế giới sẽ nhanh chóng được đăng tải trên mạng. Vì vậy, cần chủ động thông tin kịp thời, phong phú, đa dạng, có định hướng cho xã hội về các sự kiện, hiện tượng và vấn đề nảy sinh trong nước cũng như trên thế giới, đáp nhu cầu cập nhật thông tin của nhân dân. Thông qua đó để định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội một cách tích cực nhằm nâng cao khả năng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước những âm mưu DBHB của địch.
Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đại chúng, trong đó đặc biệt chú trọng đến lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh chống DBHB phải nâng cao trình độ mọi mặt, nhất trình độ lý luận phải sắc bén để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên mạng internet. Bên cạnh công tác đấu tranh chống phá hoại về tư tưởng chính trị, cần tăng cường công tác quản lý nội bộ, không để địch lợi dụng, cài cắm lực lượng vào các cơ quan nhà nước nhất là cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng.
Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hình thức, phương pháp đấu tranh chống DBHB cũng phải được đổi mới. Các phương thức thông tin truyền thông phải đa dạng, phong phú, đa chiều, sinh động, giàu sức thuyết phục. Từng vấn đề, từng sự kiện, hiện tượng, cần được khai thác, bình luận từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, nhiều hình thức, tránh phiến diện một chiều. Những bài viết đấu tranh chống DBHB phải có đầy đủ cơ sỏ lý luận và thực tiễn, phân tích một cách sâu sắc, nhằm khẳng định hay bác bỏ các vấn đề đưa ra. Việc đấu tranh phải được tiến hành thường xuyên, xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm để chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến