Phòng ngừa, đấu tranh chống lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm

Lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm là những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Nhận diện rõ những biểu hiện này để phòng ngừa, đấu tranh chống những mối nguy hại ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước; để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có biện pháp đấu tranh, khắc phục nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, bảo đảm cho thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm - những biểu hiện vi phạm nghiêm trọng đạo đức cộng sản
Cơ sở kinh tế - xã hội chính là yếu tố quyết định cho sự ra đời, tồn tại của mọi tư tưởng đạo đức, được Ph. Ăng-ghen chỉ rõ: “con người dù tự giác hay không tự giác, rút cuộc đều rút ra những quan điểm đạo đức của mình từ những quan hệ thực tiễn đang làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là từ những quan hệ kinh tế trong đó người ta sản xuất và trao đổi... xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ”(1). 
Từ những chỉ dẫn của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, có thể thấy các giai cấp nói chung, giai cấp vô sản nói riêng sẽ xây dựng hệ chuẩn mực đạo đức của mình dựa trên: 1- Thực tiễn kinh tế - xã hội của quốc gia, dân tộc đó; 2- Vị thế của giai cấp đó trong đời sống kinh tế, chính trị của quốc gia, dân tộc đó; 3- Phác thảo của giai cấp đó về xã hội tương lai mà họ sẽ kiến tạo và hướng tới. Việc xây dựng các quy phạm, các giá trị đạo đức cùng pháp luật có ý nghĩa điều chỉnh, hướng dẫn các hành vi của con người không chỉ trong xã hội hiện tại mà còn góp phần kiến tạo xã hội tương lai. 
Trong tiến trình lịch sử văn minh nhân loại, có nhiều chuẩn mực đạo đức dù đã từng tiêu biểu của một giai đoạn phát triển nhất định nhưng đã bị loại bỏ. Bên cạnh đó, cũng có những cách sống, mặc dù là biểu hiện đạo đức lạc hậu, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng qua các hình thái kinh tế - xã hội, như lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái... dù nó không phải là dòng chủ lưu trong đời sống đạo đức xã hội.
Để hiểu một cách thấu đáo về lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, cần tìm hiểu một nội dung có liên quan mật thiết là Lối sống. Với góc độ cá nhân, lối sống thể hiện suy nghĩ, cách ứng xử trong công việc, trong cuộc sống, sự lựa chọn những giá trị của một cá nhân trong quan hệ với khách thể khác, với tập thể, với những vấn đề chung của xã hội. Lối sống của cá nhân biểu hiện ra trong quan hệ của cá nhân với cộng đồng, bộc lộ rõ nhất ở những mối quan hệ đặc thù, vào những thời điểm mấu chốt có tính quyết định tới vận mệnh của cá nhân đó. Nói cách khác, khi đó bản chất của cá nhân được bộc lộ rõ nhất. 
Lối sống của cá nhân được hình thành từ thủa thơ ấu, do hưởng của lối sống gia đình, của cha mẹ, người thân; dưới sự dạy dỗ, trao truyền kiến thức qua môi trường giáo dục trong học đường; do ảnh hưởng bởi quan niệm sống và tấm gương của các nhân vật nổi bật, nhân vật của công chúng qua môi trường xã hội, hoặc truyền thông. Đó còn là ảnh hưởng từ môi trường làm việc, sinh hoạt hằng ngày của họ - những yếu tố vô cùng quan trọng để định hình một cách vững chắc lối sống cá nhân. Lối sống của cá nhân được biểu hiện qua sự lựa chọn, đánh giá, cân nhắc một cách tự giác về các giá trị và những hành động để đạt mục tiêu. 
Trong xã hội, các cá nhân tập hợp trong những tập thể, nhóm. Đặc trưng nổi bật của lối sống tập thể là chịu ảnh hưởng lớn của sự vận động mọi mặt của xã hội, môi trường bên ngoài cũng như những quy định của tập thể mà cá nhân đó là thành viên. Lối sống cá nhân nổi bật dấu ấn riêng; lối sống tập thể chịu sự chi phối của các tiêu chí quy định ý nghĩa tồn tại và mục tiêu hoạt động của tập thể.
Lối sống cơ hội là lối sống không kiên định tuân thủ, giữ gìn, bảo vệ những giá trị, những quy định chung của xã hội hiện tồn; không theo một đường lối, không có chính kiến cụ thể, ngả nghiêng, dao động lúc bên này, lúc bên khác, miễn là có lợi cho bản thân; sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà làm bất cứ việc gì, bằng bất kỳ biện pháp nào, kể cả vô đạo đức, sẵn sàng lợi dụng kẽ hở của luật pháp, những thiếu hụt của các quy định của tổ chức, đơn vị để mưu lợi...
Lối sống cơ hội khác biệt cơ bản với khả năng dễ thích nghi, bởi khả năng thích nghi của cá nhân là suy nghĩ, hành động luôn tuân thủ nghiêm các vấn đề mang tính nguyên tắc, có tính quyết định đặc trưng bản chất của tập thể, giữ vững mục tiêu hành động của tập thể, những giá trị mang tính quyết định bản chất của cá nhân đó với tư cách là thành viên của một tập thể trong một giai đoạn lịch sử nhất định; trong hành động biết lựa chọn những biện pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu. 
Về khái niệm “thực dụng”, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong trào lưu triết học Tây Âu đã hình thành chủ nghĩa thực dụng với các đại biểu S.X. Piếc-xơ (Ch.S. Peirce), U. Giêm-xơ (W. Jamses), G. Đi-uy (J. Dewey)... Qua khảo cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng, tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa thực dụng nhằm chống lại những quan điểm giáo điều, lý luận suông... để đề cao tính kiểm nghiệm được bằng thực tế, thông qua thí nghiệm; đòi hỏi hiểu biết về sự vật một cách thấu đáo cho đến tận cùng(2). Tuy nhiên, khi khúc xạ vào đời sống xã hội, chủ nghĩa thực dụng lại được hiểu theo nghĩa là chủ nghĩa đề cao vật chất tầm thường, sống sượng... 
Trong thực tế đời sống xã hội nước ta, chủ nghĩa thực dụng cũng được hiểu theo nghĩa đó. Lối sống thực dụng là lối sống “chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác”(3). Như vậy, theo định nghĩa này, điểm nổi bật của lối sống thực dụng là quan tâm đến lợi ích vật chất, thời gian đạt được là ngay lập tức. Khi đó, cá nhân đương nhiên sẽ hy sinh lợi ích tập thể, thậm chí chà đạp lên quyền lợi của người khác; không hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu lâu dài, không vì những giá trị tinh thần có tác dụng định hướng tương lai của cả dân tộc. Nói cách khác, người có lối sống thực dụng là người lấy bản thân mình làm trung tâm, mọi suy nghĩ, hành động lấy lợi ích vật chất tầm thường của bản thân làm tiêu chí phấn đấu. Lối sống thực dụng cũng có điểm tương đồng với lối sống cơ hội; đồng thời, có điểm gần gũi với lối sống cá nhân ích kỷ, vốn bị đạo đức xã hội lên án, phê phán. Khi đánh giá về những thói hư tật xấu của một bộ phận xã hội cũng như của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lối sống thực dụng được xếp cùng lối sống cơ hội, bè phái, cần phải phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn.
Cá nhân tồn tại trong xã hội đều trong mối quan hệ với các cá nhân khác, phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định của xã hội (pháp luật, điều lệ của tổ chức, những đánh giá điều chỉnh của đạo đức và dư luận xã hội). Vì vậy, nếu chỉ vì mục đích cá nhân mà không quan tâm đến những quy định chung của xã hội, đến suy nghĩ và tâm trạng của người khác, thì tất yếu sẽ gây ra những xáo trộn, rối loạn trong tập thể, rộng hơn là toàn xã hội. Nếu cá nhân đó lại là người có quyền lực, thì với lối sống thực dụng tất yếu sẽ lạm dụng quyền lực, vun vén cho cá nhân và người thân quen, sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định của tập thể, thậm chí vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ, đảng viên. 
Lối sống thực dụng và lối sống thực tế có sự khác nhau về bản chất. Lối sống thực tế được đặt trong sự phân biệt với suy nghĩ, lối sống không thực tế. Lối sống thực tế có đặc điểm là suy nghĩ và hành động từ khi đặt ra mục tiêu, xác định biện pháp thực hiện đều căn cứ vào những nguồn lực, điều kiện khả thi, do đó mà mục tiêu có thể thành hiện thực. Điểm nổi bật của lối sống thực tế là tính hiện thực, tính khả thi cả trong suy nghĩ và hành động. Nó vẫn bao hàm được các yêu cầu về đạo đức. Trong khi đó lối sống thực dụng có đặc điểm nổi bật là, để đạt mục tiêu sẵn sàng chấp nhận thủ đoạn vô đạo đức.
Tính bè phái thể hiện ở sự cố kết của nhóm người bất chấp những quy định, quy ước hiện tồn, nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích” bằng mọi cách, kể cả các hành vi chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức của tổ chức và xã hội. Mục đích của nhóm cá nhân đó không đại diện cho số đông mang tính tiến bộ. Tính bè phái được che đậy bằng sự thống nhất cao trong suy nghĩ và hành động của nhóm người để cùng đạt một mục đích, những mục đích này chỉ có lợi cho nhóm người hữu hạn, làm tổn hại đến lợi ích công.
Ngược lại, con người sống trong tập thể, trong xã hội muốn hoàn thành những công việc, những mục tiêu lớn cần phải có sự hợp sức của cả tập thể. Đó là tổng hợp lực mang tính khách quan, và nếu phấn đấu vì những mục tiêu mang tính tiến bộ, thì tổng hợp lực đó thể hiện tính tất yếu của xã hội, do đó nó được đạo đức xã hội thừa nhận, được pháp luật khẳng định. Thậm chí, ngày nay người ta thường nói đến làm việc theo nhóm (team - work) hay “ê-kíp” với ý nghĩa nêu trên.
Tiêu chí để phân biệt tính bè phái với sự thống nhất mang tính tiến bộ chính là các biện pháp được lựa chọn và mục tiêu mà nhóm nhắm tới. Mục tiêu và lý tưởng hành động mang tính tiến bộ phải vì lợi ích chung của tập thể, đại diện cho những xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Tính bè phái thể hiện khi, để đạt được mục đích, một nhóm người đồng thuận bỏ qua những ràng buộc tất yếu về pháp luật, đạo đức để giành được những kết quả có lợi cho nhóm đó. Tính bè phái là biểu hiện ở số đông của tính thực dụng. Nó vừa bao hàm việc đạt được mục tiêu bất chấp thủ đoạn, vừa là sự đồng thuận cùng làm điều xấu. Tính bè phái biểu hiện rõ nhất ở vấn nạn lợi ích nhóm hiện nay. Trong chính trị, tính bè phái kết hợp với chủ nghĩa thực dụng sẽ biến thành chủ nghĩa cơ hội chính trị.
Lợi ích nhóm có thể tồn tại trong xã hội có tổ chức và pháp luật; hoặc tự phát không chịu sự chi phối của đạo đức và sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật. Với bài viết này, “lợi ích nhóm” được hiểu là những điều có lợi cho nhóm người nhưng mâu thuẫn với quyền lợi của số đông, đi ngược lại mục tiêu, định hướng phát triển của tổ chức, của xã hội. “Lợi ích nhóm” tồn tại bằng cách chiếm đoạt một cách bất hợp pháp lợi ích của người khác, vì thế, nó vi phạm pháp luật và chà đạp lên các giá trị đạo đức thông thường nói chung, các quy định của Đảng và đạo đức đảng viên nói riêng.
Lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái và lợi ích nhóm đều là những biểu hiện mặt trái về nhân cách con người, thể hiện sự dị dạng, méo mó của đạo đức cá nhân. Những lệch chuẩn về đạo đức nói trên tồn tại dai dẳng. Khi môi trường chính trị - xã hội lành mạnh, lúc những cuộc cách mạng xã hội đem lại diện mạo, sức sống, niềm tin mới cho loài người, cho mỗi quốc gia - dân tộc, chúng tạm lùi bước trước sự hiện diện của các giá trị tiến bộ, văn minh... Khi sức sống của cuộc cách mạng đã suy yếu, môi trường chính trị - xã hội có những rối loạn, suy đồi..., thì những lệch chuẩn có dịp tái sinh, thậm chí trong không ít trường hợp lấn át các giá trị đạo đức vốn là những thành quả của cuộc cách mạng xã hội giành được và nuôi dưỡng. 
Đấu tranh chống thói đạo đức giả, suy đồi, lạc hậu, phản động, đi ngược lại các giá trị cộng sản chủ nghĩa
Những thói hư, tật xấu nêu trên trái ngược với đạo đức cộng sản về bản chất. Đạo đức cộng sản dù ở giai đoạn nào cũng đều đề cao những giá trị vì số đông, động viên sự phấn đấu vì số đông, bảo vệ những quyền và lợi ích của số đông. Do đó, có thể khẳng định, mọi biểu hiện cá nhân ích kỷ, đi ngược lại lợi ích số đông, chà đạp lên quyền lợi của số đông... đều xa lạ với đạo đức cộng sản, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, ở trình độ phát triển nào trên con đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm đối lập về bản chất, không thể điều hòa với đạo đức cộng sản chủ nghĩa.
Với các đảng cộng sản trên thế giới nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, việc giữ gìn đạo đức của cá nhân đảng viên cũng như đạo đức chính trị của đảng là yếu tố quyết định, yếu tố quan trọng nhất khẳng định vị trí, vai trò của đảng trong đời sống chính trị đất nước. Năm 1891, Ph. Ăng-ghen đã phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội: “Vì những lợi ích nhất thời hàng ngày mà quên đi những quan điểm chủ yếu lớn; chạy theo những thành công chốc lát... mà không tính đến hậu quả về sau, hy sinh tương lai của phong trào vì hiện tại, tất cả những việc ấy có thể xuất phát từ những động cơ “thành thật”. Nhưng đó là và sẽ vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mà chủ nghĩa cơ hội “thành thật” có lẽ lại là thứ chủ nghĩa cơ hội nguy hiểm hơn hết”(4). 
V.I. Lê-nin đặc biệt quan tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Ông nhấn mạnh: “Nhà chính trị muốn trở thành hữu ích cho giai cấp vô sản cách mạng thì phải biết phân biệt những trường hợp cụ thể nào là không thỏa hiệp được, hễ thỏa hiệp là mắc phải chủ nghĩa cơ hội và là phản bội”, ông chỉ dẫn cụ thể rằng “nhượng bộ những phần tử đang hướng về giai cấp vô sản; và chỉ nhượng bộ trong trong lúc và trong chừng mực là họ hướng về giai cấp vô sản, đồng thời phải đấu tranh chống những kẻ quay về phía giai cấp tư sản”; đồng thời, ông cũng chỉ rõ: “cơ hội chủ nghĩa và phản bội giai cấp công nhân, chính là những đảng và lãnh tụ nào không biết hay không muốn... dùng những thủ đoạn đấu tranh bất hợp pháp” trong những hoàn cảnh đặc biệt, đó “đều là những người cách mạng rất tồi”(5). Qua đó, có thể thấy, với V.I. Lê-nin, thành công cuối cùng của chính đảng vô sản, quyền lợi của giai cấp vô sản là điểm mấu chốt phân biệt người cách mạng chân chính với kẻ giả danh dưới mọi màu sắc. Quan điểm của ông là sự nhất quán cách mạng với quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen.
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm Tự chỉ trích: Chúng ta “phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ..., thỏa hiệp hữu khuynh, ..., lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”(6).
Khi trở thành đảng cầm quyền, việc đấu tranh chống những thói hư, tật xấu nói chung, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, bè phái... trong đội ngũ cán bộ, đảng viên càng là mối quan tâm hàng đầu của Đảng ta. Đại hội III của Đảng phê phán thói bè phái trong công tác cán bộ: “Một số đồng chí lại đem cảm tình cá nhân thay thế cho tiêu chuẩn đề bạt cán bộ, như đề bạt người thân thích của mình không đủ tiêu chuẩn, có khi còn xem ai hẩu với mình thì đề bạt, thành kiến, ác cảm với ai thì dìm xuống”(7). Đại hội IV của Đảng khẳng định quyết tâm “kiên quyết đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bè phái và bệnh quan liêu, công thần, địa vị”, “kiên quyết đấu tranh chống chia rẽ bè phái trong Đảng”; đã chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của chúng như “bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, độc đoán, gia trưởng, kiêu ngạo, tự mãn, đặt mình lên trên tổ chức, tự tách mình ra khỏi tổ chức,... thậm chí tạo ra những bè nhóm nhỏ trong Đảng dù có tổ chức hay không có tổ chức”(8). Đại hội VI đã chỉ rõ những vi phạm đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Một số người và cơ sở đã lợi dụng những sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cụ bộ(9). Đại hội khẳng định “kiên quyết chống... chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng bè phái, cục bộ. Khai trừ khỏi Đảng những đảng viên... gây chia rẽ, bè phái”(10). Đại hội XII của Đảng, bên cạnh thực hiện các nội dung quan trọng vốn có của xây dựng Đảng, như xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đã đề ra một nội dung quan trọng, đó là xây dựng Đảng về đạo đức. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ chính là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tập trung ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...(11). 
Các thói hư tật xấu nói trên nảy sinh, tồn tại và phát triển do nguyên nhân tâm lý - xã hội, kinh tế - xã hội và môi trường chính trị - pháp luật. Nguyên nhân tâm lý thể hiện ở tính ích kỷ cá nhân của những con người ít chịu tu dưỡng, rèn luyện, muốn sở hữu mãnh liệt không giới hạn, hay vượt khỏi phạm vi điều chỉnh bởi luật pháp hay đạo đức - những phương tiện cần thiết để xã hội vận hành trong trật tự. Nguyên nhân kinh tế - xã hội, vì chúng phản ánh những hệ giá trị của các chủ thể kinh tế - cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội là vô cùng phức tạp, lâu dài, với những khúc quanh, thậm chí bước thụt lùi. Vì thế, trong mỗi giai đoạn có sự tồn tại những tàn dư đạo đức của giai đoạn trước, những giá trị đạo đức đang xây dựng, đồng thời có cả những mầm mống của đạo đức tương lai. Nguyên nhân môi trường chính trị - pháp luật, thể hiện ở điều kiện pháp luật có nhiều lỗ hổng, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị lạm dụng, chiếm dụng để mưu lợi cho nhóm nhỏ nắm quyền, sự suy thoái đạo đức cách mạng...
Nguyên nhân chủ quan của sự tồn tại những vi phạm về đạo đức đảng viên thời gian gần đây đã được Đảng ta chỉ rõ: “Việc triển khai thực hiện nội dung các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống... của cán bộ, đảng viên chưa thực sự tích cực, đồng bộ, thường xuyên, một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc”(12); “Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao”(13); “Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn nữa trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa thực hiện được”(14). 
Từ thực tiễn Việt Nam, có thể thấy biểu hiện của lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm trong hệ thống chính trị: lấy đạo đức xã hội thay thế đạo đức công chức; lấy đạo đức công chức - nghề nghiệp thay thế đạo đức đảng viên (chỉ tình trạng hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức, xa rời những yêu cầu nghiêm khắc được đặt ra ban đầu); cục bộ địa phương; không thực hiện các quy định nhằm làm rõ quyền hạn, trách nhiệm; để tồn tại dai dẳng những vụ, việc thể hiện sự yếu kém về năng lực lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong giải quyết các mâu thuẫn gây mất đoàn kết kéo dài, để tình trạng vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của chính quyền, tổ chức đảng các cấp; tranh công đổ lỗi; đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm; chạy quyền, chạy chức; kén chọn vị trí công tác;...
Từ góc độ chính trị, lối sống cơ hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được khắc họa rõ là: sự dao động, ngả nghiêng về chính trị, không kiên định trên những vấn đề nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra rất “cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp(15). Trong công việc thì lựa chọn việc dễ, đùn đẩy việc khó khăn, gian khổ cho người khác; trong quan hệ xã hội thì “gió chiều nào, theo chiều đó” miễn là có lợi cho mình, xu nịnh cấp trên, “dĩ hòa vi quý” với mọi người...
Nguyên nhân của lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm” trong hoạt động của hệ thống chính trị là khi nhân danh những quy định chung về hoạt động, nhưng được vận dụng theo hướng sao cho có lợi nhất cho nhóm lợi ích, bảo vệ được lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái; lợi dụng lỗ hổng pháp luật và kỷ luật Đảng để ban hành các chủ trương tùy tiện, có lợi cho bản thân, gia đình, dòng tộc, phe nhóm; bẻ lái, “bẻ ghi” các chính sách của Nhà nước nhân danh “vận dụng” một cách tùy tiện để trục lợi...
Định hướng, biện pháp đấu tranh, phòng ngừa trong thời gian tới
Thứ nhất, xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là công việc của nội bộ Đảng, mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Đây phải biến thành nhận thức chung của xã hội để tập trung sức mạnh to lớn cho công việc trọng đại, liên quan đến sự trường tồn của dân tộc cũng như sự tồn vong của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bởi Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, đại diện quyền lợi không chỉ của giai cấp mà còn của cả dân tộc. Đồng thời, đây cũng là biện pháp cơ bản để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng có thể thành công.
Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng phải kiên định nhận thức và quyết tâm thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi chúng có quan hệ trực tiếp đến diễn biến tình trạng tham nhũng, thoái hóa, biến chất về đạo đức, chủ nghĩa cá nhân thực dụng. Các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị của quần chúng trong bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, nhằm lựa chọn những cá nhân có đủ phẩm chất, năng lực vào các vị trí quyền lực; phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội. 
Cùng với đó, các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của cấp trên đối với cấp dưới, của tổ chức đảng đối với đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội phải có sức mạnh đích thực trong việc cổ vũ, thúc đẩy, vun trồng những giá trị đạo đức tiến bộ, vì số đông. Để hình thành dư luận xã hội lành mạnh, có tính xây dựng, vun đắp cho những giá trị tốt đẹp, đấu tranh, phê phán những biểu hiện xấu, không thể thiếu vai trò tổ chức, dẫn dắt của Đảng, cũng như sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là vai trò của truyền thông, báo chí trong định hướng, tuyên truyền, cổ vũ gương điển hình tiên tiến, phê phán các thói hư tật xấu, các căn bệnh trong Đảng và ngoài xã hội đang cản trở cái tiến bộ phát triển, nảy nở.
Đồng thời, đời sống kinh tế - xã hội của quần chúng nhân dân phải được bảo đảm ổn định, ngày càng được cải thiện. Bởi, xã hội có hài hòa, ổn định, mọi hoạt động của cuộc sống con người đều diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, thì đạo đức mới “thăng hoa”, mới khuyến khích con người hướng thiện. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đạo đức xã hội lành mạnh sẽ tạo hiệu ứng tốt cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, bởi đảng viên là từ trong số những quần chúng ưu tú nhất mà được lựa chọn vào hàng ngũ. 
Thứ hai, xây dựng Đảng về đạo đức phải gắn liền và dựa trên cơ sở chính trị, kinh tế - xã hội tương xứng. Một hệ chuẩn mực đạo đức có tính hiện thực phải dựa trên hoạt động kinh tế - xã hội hiện thực, bởi đời sống kinh tế - xã hội, chính trị là nền tảng để hình thành và phát triển đạo đức xã hội tương xứng, đúng như Ph. Ăng-ghen nhận xét: “Trong một xã hội mà mọi động cơ đẩy tới trộm cắp đều bị loại trừ, do đó dần dần hầu như chỉ có những người mắc bệnh tinh thần mới phạm tội trộm cắp”, và “những cá nhân là như thế nào, điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất của họ”(16). Qua đó có thể thấy, tất cả những vận động, biến thiên xã hội nói chung, về đạo đức, văn hóa nói riêng đều phải xét đến đầu tiên là nguyên nhân kinh tế, chính trị, pháp luật. Do đó, Đảng và Nhà nước cần có chế độ, chính sách hợp lý bảo đảm cho cán bộ, đảng viên có mức sống ổn định, có điều kiện phát triển đúng sở trường, năng lực của mình.
Việc tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phù hợp với sự vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, những giá trị đạo đức của xã hội nói chung, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng cũng phải có những thay đổi phù hợp. Cụ thể, chuẩn mực đạo đức cơ bản chính là phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ những quy định cụ thể của nghề nghiệp, đạo đức đảng viên. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là điều kiện quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Với mỗi đảng viên, tổ chức đảng, tuân thủ các quy định về tổ chức, sinh hoạt đảng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên từng cương vị của mỗi tổ chức đảng chính là yêu cầu cao nhất trong thực hiện và rèn luyện đạo đức cộng sản.
Bên cạnh đó, phải có hệ thống pháp luật đủ mạnh làm cơ sở cho sự nuôi dưỡng và phát triển các giá trị đạo đức cách mạng vốn đòi hỏi sự hy sinh cho những giá trị tốt đẹp, hạn chế tính ích kỷ của mỗi người. Trên thực tế, đạo đức nhiều khi là tiền đề cho sự hình thành các quy định của luật pháp, là sự chuẩn bị trước về tâm lý cho dư luận xã hội, cho sự ra đời sau đó của điều luật. Đồng thời, đạo đức xã hội còn có vai trò an ủi, xoa dịu dư luận xã hội khi xuất hiện những khoảng trống pháp luật, gây sự bất an trong xã hội. Lúc đó, những tấm gương sáng về đạo đức có tác dụng như những “mỏ neo” cho niềm tin của xã hội về những điều tốt đẹp. Nhưng trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, sự điều hành xã hội bằng pháp luật chính là điều kiện quyết định cho sự điều chỉnh xã hội của đạo đức. Đó cũng chính là thể hiện sự phát triển văn minh của một xã hội. Muốn vậy, việc tổ chức, vận hành của xã hội phải dựa trên Hiến pháp, pháp luật, các quy luật mang tính khoa học.
Thứ ba, quyết tâm chính trị trong xây dựng Đảng về đạo đức, đấu tranh với căn bệnh bè phái, cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trong suốt quá trình hoạt động, luôn tự mình phấn đấu trở thành một Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Yêu cầu về đạo đức đối với Đảng là yếu tố quyết định vị trí, vai trò, uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Đạo đức của Đảng không chỉ đơn thuần là sự tu dưỡng, rèn luyện các chuẩn mực đạo đức như là các giá trị, khuôn mẫu mà còn là khả năng hoàn thành các mục tiêu chính trị mà Đảng đã cam kết với nhân dân, đó chính là đạo đức chính trị. 
Đạo đức chính trị của Đảng là thể hiện cao nhất đạo đức cộng sản với dân tộc. Hai nội dung đó không tồn tại biệt lập, tách rời, mà gắn bó khăng khít với nhau, là tiền đề cho nhau. Do đó, bên cạnh việc không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân - thực hiện cam kết làm cho cuộc sống nhân dân ngày càng tốt đẹp, Đảng phải thường xuyên thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng - thực hiện cam kết “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Trong xây dựng Đảng về đạo đức, bên cạnh việc xây dựng, thực hành các giá trị đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không thể bỏ quên việc đấu tranh chống những vi phạm tư cách đạo đức của người đảng viên, mà lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm chính là những biểu hiện nổi bật. Thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ này chính là sự kết hợp giữa “xây” và “chống” trong tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng, là bảo đảm cho thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Một trong những phương hướng thực hiện chính là Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng (17).
Thứ tư, đấu tranh chống bệnh cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm với các hình thức và biện pháp cụ thể, thiết thực. Diễn biến phức tạp của lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, bên cạnh “do công tác tuyên truyền, giáo dục... đạo đức, lối sống... chưa đủ sức động viên” còn do “những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”(18). Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến nay, Đảng ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có việc siết chặt kỷ luật đảng viên, chấn chỉnh việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện tự phê bình và phê bình và kiểm điểm đảng viên, lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh, thực hiện trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu..., nhằm hạn chế tình trạng “không rõ trách nhiệm cá nhân”, “khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm”, vì thế dẫn đến “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân” (19). 
Hiện nay Trung ương đang tổ chức xây dựng quy định mới về kiểm soát quyền lực và chống “chạy chức”, “chạy quyền” trong công tác cán bộ. Quy định mới được ban hành sẽ góp phần hạn chế nguyên nhân cơ bản của những vi phạm đạo đức đảng viên, trong đó có bệnh cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm... Bởi nguyên nhân những vi phạm nói trên, bên cạnh việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân, không chịu sự giáo dục, phê bình của tổ chức; còn do sự bao che, bảo vệ của “nhóm lợi ích” chưa bị kiểm soát chặt chẽ.
Nhìn lại các quy định đã có, có thể thấy không thiếu các quy định nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vấn đề là làm sao thực hiện có hiệu quả các quy định này. Điều này không chỉ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân, mà cần phải trở thành mối quan tâm thường xuyên và sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân; và với quyết tâm chính trị, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên thực tế./.
--------------------------------------------------
(1) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 136 - 137
(2) Xem: Từ điển Triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 153 - 158
(3) Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr. 973
(4) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 346
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 41, tr. 25, 74, 102
(6) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 645
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2002, t. 21, tr. 760
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2004, t. 37, tr. 803, 804
(9), (10) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 23, 256, 303
(11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 51, 193
(13) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 25
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 184 – 185
(15) Lê Đức Bình: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 255
(16) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 136 - 137; t. 3, tr. 30
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 202
(18), (19) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Sđd, tr. 25, 23
-ST-
-NCCc25-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến