MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRÊN MẠNG INTERNET HIỆN NAY


   
            Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng mạng internet, các trang mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cần quán triệt và thực hiện tốt một số biện pháp đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” (DBHB) trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên báo, tạp chí điện tử, đó là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng internet nói riêng.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đối với hệ thống thông tin đại chúng nói chung, mạng internet nói riêng có ý nghĩa quan trọng và quyết định hàng đầu đến sự vững vàng trận địa chính trị - tư tưởng của mỗi đơn vị. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng là tăng cường sự chỉ đạo, định hướng chính trị tư tưởng đối với hệ thống thông tin, phát huy sức mạnh của hệ thống đó nhằm xây dựng và bảo vệ trận địa tư tưởng chính trị và đấu tranh chống lại âm mưu thủ đoạn DBHB của các thế lực thù địch. Đề tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng internet nói riêng cần phải quán triệt, định hướng chính trị, nâng cao nhận thức cho các đối tượng khi tiếp cận thông tin, mạng internet, nhất là các cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Định hướng chính trị là việc chỉ rõ những vấn đề cần đấu tranh, những nội dung cần đi sâu phân tích lý giải, những mục tiêu cần phải đạt tới. Sự định hướng còn bao gồm cả việc kiểm tra không để lọt các bài, các ấn phẩm có nội dung xấu xuất hiện trên các trang mạng chính thống.
Cùng với đó, đổi mới tổ chức quản lý thông tin là vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp tới hiệu quả cuộc đấu tranh chống DBHB trên mạng internet. Trong những năm gần đây, sự bùng nổ thông tin đã mang lại nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội,… nhưng cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xử lý thông tin. Vấn đề đặt ra làm sao vừa khai thác có hiệu quả những lợi ích của thông tin đem lại, vừa ngăn chặn những luồng thông tin độc hại của DBHB. Do vậy, cần phải xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật; quy chế, quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phát hiện, đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống DBHB nói chung, trên mạng internet nói riêng.
Đấu tranh chống DBHB trên mạng internet là cuộc đấu tranh khó khăn và phức tạp vừa là nhiệm vụ cấp bách tức thời vừa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp lâu dài. Kẻ thù thường huy động nhiều lực lượng và đầu tư nhiều tiền để xây dựng và triển khai chiến lược DBHB. Do vậy, cần phải tập trung giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên thấy được chống DBHB là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại từ đó tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại tư tưởng của địch.
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong tham gia đấu tranh chống DBHB trên mạng internet.
Nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách thì không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này. Do đó, phải huy động sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng, của mọi cán bộ, đảng viên; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái. Tổ chức lực lượng trong các cơ quan, khoa, đơn vị, thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet. Tổ chức các lực lượng chuyên trách, kịp thời ngăn chặn không để các quan điểm sai trái phát tán trên mạng internet có điều kiện tác động vào các đối tượng trong đơn vị. Đấu tranh, phê bình trực diện đối với những cá nhân cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ các đơn vị. Chú trọng việc tổ chức, định hướng các tổ chức quần chúng… tham gia đấu tranh đối với các quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch trên mạng internet.
Đồng thời, phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng lực lượng chuyên trách, hạt nhân nòng cốt cả về lý luận, thực tiễn và khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong đấu tranh chống DBHB trên mạng internet. Đi liền với công tác đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng chính trị, cần tăng cường công tác quản lý nội bộ, không để địch lợi dụng, kích động, lôi kéo, chia rẽ.
Bốn là, tăng cường khả năng “miễn dịch” của các tổ chức, mọi cá nhân.
Trong một thế giới “phẳng” do sự bùng nổ công nghệ thông tin, có thể thấy rằng, khó mà che dấu được những sự kiện lớn nhỏ xẩy ra trong nước, trên thế giới cũng như trong nước, Quân đội... Vì vậy, chủ động thông tin đúng, đủ, kịp thời và có định hướng chính trị rõ ràng về các sự kiện, hiện tượng và vấn đề nảy sinh trong nước, trên thế giới cũng như trong nước, đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu nhận thức, nhu cầu tìm hiểu thông tin của các bộ phận. Thông qua đó để định hướng tư tưởng, hướng dẫn nhận thức, tạo thành dư luận xã hội tích cực nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm, nâng cao khả năng chống “tự diễn biến”, khả năng “tự đề kháng” với những âm mưu DBHB của địch.
Đáp ứng những nhu cầu thông tin của các bộ phận cũng có nghĩa là tạo điều kiện cơ bản và thiết thực giúp họ tránh khỏi sự “lôi kéo, kích động” từ các nguồn thông tin từ bên ngoài. Nắm vững và vận dụng đúng các quy luật thông tin, chúng ta phải tích cực giành quyền chủ động cung cấp thông tin để nắm quyền chủ động chi phối quy mô, tính chất thông tin và đó cũng chính là chủ động chi phối các hiệu ứng xã hội của thông tin.
Năm là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp đấu tranh chống DBHB.
Đổi mới phương pháp, mở rộng các phương thức thông tin truyền thông đa dạng, phong phú, sinh động, thuyết phục. Thông tin về từng sự kiện, hiện tượng, vấn đề cần được khai thác, phát hiện từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau, tránh được sự đơn điệu, trùng lắp và một chiều, kết hợp nhiều thể loại, nhiều hình thức. Các bài viết tham gia đấu tranh chống DBHB phải có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích một cách sâu sắc, dù khẳng định hay bác bỏ, dù mềm mại hay đanh thép đều phải có sức thuyết phục. Mỗi đơn vị cần xây dựng chương trình hành động cụ thể trên cơ sở chỉ đạo chung; bám sát đặc điểm đối tượng, khai thác nguồn tin và tổ chức lưu chuyển thông tin phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể, xác định rõ nội dung đấu tranh, mục tiêu cần đạt tới. Tuy nhiên, việc đấu tranh phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngắt quãng. Đồng thời, phải xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị đột xuất cũng như kịp thời phản bác những đợt phản tuyên truyền rộ lên của các thế lực thù địch.
Động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt trên trang mạng (website) của đơn vị, chủ động trong đấu tranh loại trừ những thong tin sai trái, phản động. Đây là diễn đàn để một mặt chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhưng mặt khác, để mọi thành phần có thể tham gia trao đổi – tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến