Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh

Gần đây, trên một số trang thông tin có đăng tải bài viết với nội dung luận bàn về “Những ảo tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng Hồ Chí Minh”; hoặc: “Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng chỉ nói mà không làm”,... Đây là suy nghĩ của những người thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhưng lại núp dưới danh nghĩa “tự do ngôn luận, dân chủ, xây dựng, góp ý”!? 
Lời nói và hành động của họ bộc lộ thái độ hằn học, động cơ kích động, âm mưu gây mất ổn định chính trị, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Mặc dầu trong các bài viết, họ cố tình trích dẫn kiểu gọt chân cho vừa giày, cắt xén lời nói của nhân vật này, học giả nọ, để minh chứng cho lời nói của mình là có cơ sở. 
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những nhận định, lập luận mang nặng tư duy suy luận chủ quan, vô căn cứ và thiếu khoa học. Hãy thử xem họ là ai và những gì là sự thật đằng sau lời nói, bài viết của họ!
Không cần nói cũng có thể biết tác giả của những bài viết xuyên tạc về tình hình đất nước, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ, kích động, phá hoại đường lối của Đảng, đa phần là những người bất mãn về chính trị, hiện đang sống nhờ bằng những đồng tiền do các thế lực thù địch bên ngoài chu cấp. 
Một bộ phận khác, không hẳn xuất phát từ động cơ kinh tế, nhưng là những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, nên bị lợi dụng, trở thành những “cái loa” phát ngôn không công cho lực lượng chống đối chế độ, đi ngược lại lợi ích dân tộc, đất nước. Tại sao có thể khẳng định như vậy? Bởi vì, không chỉ đơn thuần trên danh nghĩa “tự do ngôn luận” hay có sự “bất đồng quan điểm” (với lý do khác nhau về ý thức hệ) để “nói lấy được”, mà muốn đánh giá hay phê phán về một vấn đề, một con người hoặc một luận thuyết, phải nhìn nhận khách quan từ nhiều phía, đặc biệt là từ góc độ giá trị lịch sử, nhân văn, đạo đức, phải dựa trên những giá trị chuẩn mực truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 
Không thể cứ cao đạo cho rằng, mình là người yêu Tổ quốc, trong khi hành động và lời nói đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Đối với người Việt Nam, việc đánh giá chuẩn mực đạo đức của một cá nhân, hay giá trị của một luận thuyết, không phải xuất phát từ tiêu chuẩn bên trong của nó, mà xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc: “Học thuyết nào cứu được nước, giúp được dân thì sẽ được ưa thích, lựa chọn”. 
Trên ý nghĩa đó, sự khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi". 
Đó là sự khái quát khoa học, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẳng định một cách chắc chắn rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ là “ảo tưởng”, bởi giá trị lý luận và thực tiễn của những quan điểm khoa học và cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, minh chứng là hoàn toàn đúng đắn.
Với tư cách là người đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào quá trình “phi thực dân hóa”, làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khát khao giải phóng đồng bào mình, dân tộc mình thoát khỏi áp bức bất công, đồng thời đấu tranh để giải phóng tất cả các dân tộc khác trên thế giới thoát khỏi chế độ áp bức của chủ nghĩa thực dân.
Tiến sỹ Ahmed - Nguyên Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận xét: “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống và rõ ràng cụ Hồ Chí Minh là một trong số đó; Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mexico Ignacio Gonzalez Janzen khẳng định rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ xuất chúng của dân tộc mình, một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ XX, mà đặc biệt còn là một người thầy vĩ đại trong môn học giành tự do cho các dân tộc,... chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu hàng đầu của nhân loại”. Còn rất nhiều ý kiến đánh giá của các chính khách, các nhà nghiên cứu, thậm chí của những “đối thủ một thời” của Hồ Chí Minh, họ đều thống nhất nhận định về giá trị lý luận và cống hiến xuất sắc của Người đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Bởi vì, nếu những ai đã nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH một cách thấu đáo, chắc hẳn đều nhận thấy rằng đó là những quan điểm xuất phát từ đặc điểm, điều kiện lịch sử Việt Nam và giàu tính hiện thực.
Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN, với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người; giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội: “không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”. 
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không hề “ảo tưởng,” mà bằng cái nhìn lịch sử cụ thể, Người nhận thấy điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, có xuất phát điểm thấp, chưa kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, do đó Người xác định mục tiêu ban đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Người còn nói: “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”; và: “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH”. Cụ thể hơn, Hồ Chí Minh cho rằng, CNXH phải: “có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”; về chính trị, xã hội XHCN là do nhân dân làm chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở mọi người dân, tất cả cán bộ, công chức nhà nước đều là công bộc của dân. 

         Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định về giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa nhân loại”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến