CÁI GỌI LÀ “MẬT ƯỚC THÀNH ĐÔ” VÀ NHỮNG LỜI XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG

Một số blog và các trang mạng xã hội, nhất là trong các chương trình video Clip được thực hiện ở hải ngoại, những kẻ có tư tưởng thù địch, xuyên tạc rằng việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là bước đi ngầm thực hiện “Mật ước Thành Đô”, dâng đất cho Trung Quốc xây dựng thành những khu tự trị thuộc Trung Quốc vào năm 2020. Những lời bịa đặt xuyên tạc cực kỳ nguy hiểm này đã đánh vào lòng yêu nước của người Việt, tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận, từ đó kích động tụ tập đông người gây rối mà vụ việc ở Bình Thuận và một số tỉnh, thành khác xảy ra trong thời gian vừa qua cũng xuất phát từ những lời bịa đặt xuyên tạc đó. Bản tin Thông tin nội bộ, một lần nữa nói rõ cái gọi là “Mật ước Thành đô” để nhân dân nâng cao cảnh giác…

I. BỐI CẢNH DẪN ĐẾN HỘI NGHỊ

Trong những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới chuyển biến vô cùng to lớn và sâu sắc. Chủ nghĩa xã hội lâm vào thời kỳ thoái trào, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lần lượt sụp đổ; chiến tranh lạnh đang đi đến hồi kết thúc, cục diện thế giới “2 cực” không còn tồn tại; Mỹ trở thành siêu cường duy nhất; các nước xã hội chủ nghĩa còn lại gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có Việt Nam.

Từ những năm 1979 - 1990, Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và âm mưu “diễn biến hoà bình” của Mỹ, phương Tây; bị bao vây, cấm vận, cô lập. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khoá VI), tháng 5/1988 đã đề ra chủ trương bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và các nước quan trọng khác, phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng môi trường hoà bình, thực hiện công cuộc đổi mới.

Về phía Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn (6/l989) cũng gặp nhiều khó khăn về đối nội và đối ngoại, bị Mỹ và phương Tây trừng phạt kinh tế, cô lập về ngoại giao. Để phá thế bị bao vây, cô lập, Trung Quốc ưu tiên giải toả quan hệ với Mỹ và phương Tây, đồng thời đẩy mạnh cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ngày 12/8/1990, trong chuyến thăm ba nước In-đô-nê-xi-a, Sin-ga-po và Thái Lan, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc lúc bấy giờ là Lý Bằng tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng cuối cùng sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam”. Tiếp đó, tại Hội nghị 15 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (khoá VII), Thủ tướng Trung Quốc - Lý Bằng nói: Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thảo luận vấn đề bình thường hoá quan hệ Trung - Việt. Xuất phát từ mục đích đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc.

II. NỘI DUNG HỘI ĐÀM VÀ TUYÊN BỐ CHUNG

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa - Lý Bằng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đồng chí Đỗ Mười, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sang thăm Trung Quốc từ ngày 03 - 04/9/1990. Tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam có Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - Hồng Hà, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bích Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm.

Hai bên đã tiến hành Cuộc gặp cấp cao tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Tham dự cuộc gặp, về phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng.

Cuộc gặp cấp cao Thành Đô đã tiến hành trao đổi thẳng thắn về tình hình thế giới và khu vực, các nguyên tắc và phương hướng phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước. Cuộc gặp đã đạt một số nhận thức chung trong các vấn đề sau: Chấm dứt tuyên truyền chống đối nhau; thông qua hoà bình thương lượng giải quyết các bất đồng, tranh chấp, đặc biệt các tranh chấp về lãnh thổ trên đất liền và trên biển; sớm nối lại quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giao thông liên lạc và các mối quan hệ khác; khôi phục và bổ sung các hiệp định đã ký kết giữa 2 nước mà 2 bên thấy cần thiết; xem xét để các tỉnh 2 bên biên giới có thể gặp nhau bàn bạc, trao đổi những người bị bắt; trao đổi đoàn thăm nhau và tổ chức để lãnh đạo 2 nước gặp nhau.

Văn kiện kết thúc Cuộc gặp Thành Đô đã ghi: “Hai bên đã trao đổi ý kiến về việc khôi phục quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, từng bước cải thiện quan hệ hai Đảng, hai nước tiến tới thực hiện bình thường hoá”.

Biên bản làm việc và các tài liệu khác về Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô khẳng định lập trường và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta, góp phần tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gọi là sự thoả thuận rằng: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020...”, như thông tin trên một số trang mạng, blog đã đưa. Đây là một luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và hoang mang trong các tầng lớp nhân dân.

Thừa nhận rằng, những năm gần đây, hành vi lấn biển của Trung Quốc không những đã làm cho toàn dân Việt Nam và Kiều bào ta ở nước ngoài vô cùng bức xúc mà dư luận cả thế giới cũng đều lên án. Đảng, Nhà nước ta không hề nhân nhượng, thể hiện rõ quan điểm trong việc giải quyết vấn đề. Mọi hành vi của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa đều bị lên án và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã kịch liệt phản đối Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu đưa toàn bộ vũ khí, khí tài ra khỏi các các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam. Đảng ta, Nhà nước ta nhận thức sâu sắc rằng việc ổn định và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc là vô cùng quan trọng nhưng chủ quyền đất nước là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm mà không có thứ vật chất hay tình cảm nào có thể đổi trao. Vậy nên, mỗi một người dân Việt Nam hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, vì an ninh Quốc gia, vì sự ổn định và phát triển của đất nước.

III. NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN "QUÂN BÀI GIAN LẬN"

Từ những chứng cứ nói trên, nhận diện rằng, các thế lực thù địch đã sử dụng thủ đoạn “quân bài gian lận” để khoét sâu sự hoài nghi của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng sự kiện, vấn đề có thật rồi cài cấy những thông tin, những chi tiết không có thật do chúng bịa ra nhằm đánh lừa nhận thức độc giả để xuyên tạc sự thật, để lôi kéo, kích động chống Đảng, Nhà nước, bài xích đi đến lật đổ chế độ. Câu chuyện bịa đặt về cái gọi là “Mật ước Thành đô” là một trong rất nhiều những câu chuyện điển hình như vậy và không khó lắm để chúng ta nhận diện sự cực kỳ vô lý của nó. Vô lý vì “mật ước” không phải là thông tin công khai mà ai cũng biết, vậy nên cái gọi là “Mật ước Thành Đô” là một sự bịa đặt thông tin lợi dụng sự kiện có thật; vô lý còn bởi nó không đúng với truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường của dân tộc qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước; và vô lý còn bởi nó ngược với ý nguyện ngàn đời “không có gì quý hơn độc lập tư do” trong dòng lịch sử dân tộc.

Vì lẽ đó, khẳng định: Không thể và không bao giờ có cái gọi là “Mật ước Thành Đô”.
-st-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến