"SỐNG GẦN DÂN, THƯƠNG DÂN VÀ VÌ DÂN" và "ĐẢNG MẠNH LÀ VÌ CÓ CHI BỘ MẠNH!" Hải - tổ 3 - CH6a


SỐNG GẦN DÂN, THƯƠNG DÂN VÀ VÌ DÂN
       Thật vậy, Bác Hồ luôn luôn sống gần dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, cảm thông sâu sắc với nhân dân. Lời nhắc nhở của Bác đối với cán bộ, đảng viên: "Chúng ta không thể sống khác đồng bào" thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô hạn, lối sống giản dị và khiêm tốn của Người - một phẩm chất đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp.
        Những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ đã phải kiếm sống bằng nhiều nghề bình thường nhất: nấu bếp, bồi bàn, thợ ảnh… sinh hoạt kham khổ với bánh mì không và vài ba bộ quần áo thợ thuyền. Những đêm rét buốt ở Paris, Bác phải nướng nhờ viên gạch trên bếp lò, rồi bọc báo lót dưới giường nằm. Sau ngày đất nước giành được độc lập (9/1945), nạn đói hoành hành, Bác Hồ đã vận động cán bộ và nhân dân bớt bữa, lập "Hũ gạo cứu đói" để giúp đỡ đồng bào nghèo, và chính Bác làm gương về việc này.
        Những năm kháng chiến chống Pháp, Bác ở chung với đồng bào Việt Bắc, ăn chung với các đồng chí giúp việc, cùng chịu rét mướt với bộ đội và dân công. Hòa bình lập lại, tháng 10/1954 trở về Hà Nội, Trung ương Đảng muốn Bác đến ở tòa nhà to đẹp của Phủ Toàn quyền, nhưng Bác nhất quyết từ chối, mà chỉ ở căn nhà nhỏ vốn là nơi ăn ở của một người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền trước kia.

Năm 1958, khi Bác đi thăm các nước bạn, Bộ Chính trị mới "bí mật" làm cho Bác một ngôi nhà sàn như của đồng bào Việt Bắc, với vài ba phòng đơn sơ. Bữa cơm hàng ngày của Bác chỉ có vài món giản đơn, Bác thường thích ăn cá kho tương và cà pháo nén - những món ăn thường thấy của đồng bào Nghệ - Tĩnh.
Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hột cơm; ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất để dùng cho bữa sau. Điều đó chứng tỏ Bác rất quý trọng công sức lao động của nhân dân và tôn trọng những người phục vụ. Năm 1957, Bác về thăm quê. Lúc ăn cơm với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh khi đó), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một vài đồng chí khác, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: "Ăn hết, lấy thêm. Không ăn hết, để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình".
        Thấy chiếc xe Bác dùng, do Liên Xô tặng, đã quá cũ, Trung ương muốn thay xe mới cho Bác, nhưng Bác nhất định không thay xe. Bác thường nhắc nhở, phê phán hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền của mình để "vinh thân phì gia", tham ô lãng phí. Ngôi nhà tranh của gia đình Bác ở quê hương Nam Đàn vẫn nguyên vẹn như hồi cuối thế kỷ XIX khi Bác mới sinh thành, không biến thành biệt thự lộng lẫy với những tòa ngang dẫy dọc và những tiện nghi đắt tiền như của nhiều cán bộ, viên chức thời nay!
Nhà thơ Tố Hữu có nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc với Bác, đã viết về "tài sản" của Hồ Chủ tịch:
Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn

(Theo chân Bác)
         Hai bộ kaki bạc màu, vài bộ quần áo nâu đồng bào gửi tặng, đôi dép cao su, chiếc đài bán dẫn Bác nghe tin thời sự, mẩu bút chì xanh, đỏ Bác thường dùng khi đọc báo và đánh dấu những gương "Người tốt, việc tốt" để gửi tặng huy hiệu của Người, chiếc máy chữ (loại cũ) Bác được tặng, cho đến món tiền tiết kiệm từ nhuận bút viết báo, viết sách và từ đồng lương của mình, Bác cũng thường trích ra để tặng các cụ già và các em thiếu nhi kiểu mẫu, tặng bộ đội trực chiến. Đấy là tất cả tài sản của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta!
        Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết rất sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Rất lạ lùng, rất kỳ diệu là trong 60 năm của cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp" .
         Từ lối sống giản dị, thương dân, gần dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, Bác đã hiểu và đồng cảm sâu xa tâm nguyện của nhân dân. Từ đó, Người xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, thu hút được các bậc hiền tài ra giúp nước, đề ra những chủ trương, chính sách mang tính cách mạng, hợp lòng dân, nhằm đem lại độc lập cho đất nước, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân. Cũng vì thế, Bác Hồ được toàn dân vô cùng kính yêu, biết ơn và tuyệt đối tin tưởng đi theo con đường cách mạng của Người! Cũng vì thế, Bác Hồ được UNESCO vinh danh: "Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới"!
         "Chúng ta không thể sống khác đồng bào"! Bác Hồ đã làm đúng như điều Bác nói, trở thành tấm gương sáng ngời về lẽ sống "Tận trung với nước, tận hiếu với dân" và "Cần - Kiệm - Liêm - Chính, Chí công vô tư". Đó cũng là lối sống thủy chung như nhất, giản dị mà vô cùng cao đẹp - lối sống của "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (Di chúc) mà Bác Hồ đã suốt đời thực hiện.






ĐẢNG MẠNH LÀ VÌ CÓ CHI BỘ MẠNH !
        Tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11/5/1952), Bác chỉ ra “Vì điều kiện khó khăn mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc. Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: Không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hóa khá nặng… Người còn thẳng thắn chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
       Chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng phải làm toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phải được tiến hành ở tất cả các cấp. Trong đó, đặc biệt coi trọng làm tốt ở chi bộ, vì chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”. Người còn chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.
Trước những vấn đề cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đặc biệt là những năm gần đây, Đảng đã có nhiều nghị quyết như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX,X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc quan trọng, thực hiện toàn diện từ chính trị, tư tưởng và tổ chức tốt công tác cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng còn yếu; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; nhiều đảng viên và tổ chức đảng tính chiến đấu chưa cao, nhất là ở tổ chức cơ sở đảng; việc xây dựng quy chế và hoàn thiện quy chế theo hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn hạn chế và có nhiều lúng túng... càng đòi hỏi phải coi trọng, đẩy mạnh và quyết tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
       Thời gian qua, thực hiện NQTW4 (khóa XII) về "những vấn đề cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Đảng" đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham ô, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch được đẩy mạnh...
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII cũng nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Theo đó, NQTW4 (khóa XII) cũng đặt ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW”.
       Như vậy, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng, đạo đức nói chung và phong cách Hồ Chí Minh nói riêng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, học tập, làm thdân tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là giải pháp cấp thiết hiện nay để mỗi cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng Đảng trong sạch, tạo niềm tin trong nhân dân
Như vậy, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng, đạo đức nói chung và phong cách Hồ Chí Minh nói riêng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và NQTW4 (khóa XII) là giải pháp cấp thiết hiện nay để mỗi cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng Đảng trong sạch, tạo niềm tin trong Nhân dân.




Top of Form

Nhận xét

Bài đăng phổ biến