D3. (KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH CÁC MÁC (1818 - 2018)). QUÁN TRIỆT VÀ VẬN DỤNG TINH THẦN SÁNG TẠO CỦA CÁC MÁC

Các Mác (1818 - 1883) - nhà bác học thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Là một nhà cách mạng của khoa học, nhà cách mạng dựa vào khoa học. Mác đã đạt tới những đỉnh cao nhất của khoa học, để từ đó đi xuống nhân dân và làm cho khoa học trở thành tài sản chung của nhân dân.
Nhận rõ vai trò to lớn của tư duy lý luận đối với thực tiễn cách mạng, Mác đã hướng hoạt động của mình vào nghiên cứu, sáng tạo khoa học vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, quần chúng nhân dân lao động khỏi xiềng xích trói buộc. Tinh thần sáng tạo của Mác luôn được thể hiện: Bằng cách này hay cách khác, tham gia vào việc lật đổ xã hội tư bản và các thiết chế nhà nước do nó dựng nên, tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà ông là người đầu tiên đã đem lại cho giai cấp đó một ý thức về địa vị của bản thân mình và yêu cầu của mình, ý thức về điều kiện để giải phóng mình, đó thật sự là sứ mệnh thiết thân của ông.
Hệ thống lý luận đồ sộ của Mác bao quát tất cả các lĩnh vực cơ bản của khoa học xã hội đương thời. Trong từng lĩnh vực, Mác đều nghiên cứu hết sức sâu sắc và phát triển, hoàn thiện tới trình độ khoa học. Mác đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong triết học. Chính Mác là người tiếp sức mạnh khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật của Phoi-ơ-bắc và phép biện chứng của Hê-ghen. Đứng vững trên lập trường duy vật, sáng suốt tiếp thu hệ thống triết học đồ sộ của Hê-ghen, Mác (cùng với Ăng-ghen) đã cứu phép biện chứng tự giác khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm; kết hợp chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng để có sự ra đời chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Mác đã trang bị cho loài người cơ sở thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới bằng cách mạng: "Dưới dạng hợp lý của nó, phép biện chứng chỉ đem lại sự giận dữ và kinh hoàng cho giai cấp tư sản... vì mỗi hình thái đã hình thành đều được phép biện chứng xét ở trong sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó; vì phép biện chứng không khuất phục trước một cái gì cả, và về thực chất thì nó có tính chất phê phán và cách mạng".
Mặt khác, khi nhận thấy chủ nghĩa duy vật cũ không triệt để, chưa hoàn bị và phiến diện, Mác đã vận dụng và mở rộng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào xem xét đời sống xã hội, xây dựng nên chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc phát hiện ra quan niệm duy vật lịch sử, hay nói cách khác, việc vận dụng triệt để chủ nghĩa duy vật để xem xét lĩnh vực xã hội, đã loại bỏ khuyết điểm căn bản của những lý luận lịch sử trước kia và "...đã vạch ra con đường nghiên cứu lịch sử một cách khoa học, coi lịch sử là một quá trình thống nhất và có quy luật, mặc dầu quá trình đó cực kỳ phức tạp và có rất nhiều mâu thuẫn". Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã trở thành một trong những phát minh vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học nhân loại. Các nguyên lý khoa học trong đó được dùng làm "kim chỉ nam" định hướng cho các hoạt động nghiên cứu sau này của Mác, và đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Mác xuất phát từ quan điểm duy vật để khẳng định tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; đời sống xã hội về căn bản là có tính chất thực tiễn; sản xuất vật chất là nền tảng của đời sống xã hội, bởi vì "...con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v.. được". Đây chính là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm và từng bước đổi mới chính trị; quan tâm tới lợi ích của con người, mà trước hết là lợi ích của người lao động; lấy con người là trung tâm của toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội tất cả cho con người, vì con người, do con người.
Nghiên cứu quá trình sản xuất xã hội, bằng sức trừu tượng hoá, sáng tạo khoa học, Mác đã chỉ ra mối quan hệ "song trùng" giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là quy luật cơ bản, động lực nội tại quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mọi quá trình sản xuất xã hội qua các phương thức sản xuất từ thấp đến cao. Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất là yêu cầu khách quan, thực chất của quy luật. Đồng thời, Mác cũng chỉ rõ tính mâu thuẫn của sự phù hợp dẫn tới phát sinh mâu thuẫn mới cần giải quyết. Từ chỗ là hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất lại trở thành xiềng xích trói buộc lực lượng sản xuất phát triển, đó là thời điểm mà con người phải can thiệp, giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời, Mác đã chỉ rõ: quan hệ sản xuất cũ không tự mất đi khi địa bàn mà nó mở ra cho lực lượng sản xuất phát triển vẫn chưa được phát triển. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Mác, căn cứ vào thực tiễn nền kinh tế của nước ta cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ các nước trên thế giới, trong đổi mới kinh tế, Đảng ta đã chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Đảng ta khẳng định các thành phần kinh tế ngoài xã hội chủ nghĩa cần được duy trì phát triển song song với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chỉ mất đi khi hết vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ việc nghiên cứu tìm ra bản chất, quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra, Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, xé toang bức màn bí mật che phủ xã hội tư bản chủ nghĩa tạo cơ sở khoa học để nhận thức bản chất kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Mác đã làm được cái điều mà các nhà nghiên cứu trước đó phải mò mẫm trong bóng tối. Chúng ta có thể nhận thấy xác thịt của tư bản thì có thể thay đổi, nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản thì không hề thay đổi. Dù cho chủ nghĩa tư bản hiện đại có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi. Giai cấp công nhân vẫn tiếp tục bị bóc lột nặng nề, bị bần cùng hoá cả tuyệt đối, cả tương đối. Mâu thuẫn kinh tế cơ bản của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa giữa lực lượng sản xuất xã hội hoá ngày càng cao với quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng gay gắt mà biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn đối kháng dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản ngày càng quyết liệt, được biểu hiện dưới nhiều dạng thái mới.
Phát hiện của Mác về sự xuất hiện và tồn tại của giai cấp, đấu tranh giai cấp, về tính tất yếu của chuyên chính vô sản như kết quả tất yếu của đấu tranh giai cấp, đồng thời là bước quá độ đến một xã hội  không còn giai cấp, không còn nhà nước. Từ những phân tích về triết học, kinh tế - chính trị, Mác khẳng định: "Trong tất cả các giai cấp hiện đại đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp". Giai cấp công nhân hiện đại có đầy đủ những phẩm chất để trở thành một giai cấp tiên tiến, cách mạng triệt để nhất, đủ điều kiện để đảm đương sứ mệnh lịch sử thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Mác chỉ rõ: giai cấp vô sản là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử đầy khó khăn gian khổ của mình, giai cấp vô sản phải được trang bị lý luận tiền phong và tổ chức ra hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp một mất, một còn với giai cấp tư sản. Ngược lại, giai cấp tư sản để duy trì địa vị thống trị đã không từ bỏ một thủ đoạn nào nhằm phá hoại sức mạnh đoàn kết chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mác đã từng cảnh báo về nguy cơ giai cấp tư sản dùng vật chất để mua chuộc, hủ hoá những người lãnh đạo của giai cấp công nhân, thậm chí tư sản hoá cả một bộ phận giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển.
Mác là nhà cách mạng, "Đấu tranh là hành động tự nhiên của Mác. Và Mác đã đấu tranh một cách say sưa, kiên cường và có kết quả, không mấy người được như vậy". Mác hoà mình vào trong các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của mình. Mác đi tới đâu, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ ở đó. Dưới nhiều hình thức, Mác đã tích cực giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức sự liên hiệp đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới. Sự ra đời của "Hội liên hiệp công nhân quốc tế" (1864-1872) tổ chức tiền thân của các đảng cộng sản, là trung tâm lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân toàn thế giới mà Mác là một thành viên sáng lập, lãnh tụ hàng đầu, linh hồn của Hội. Với Mác, sáng tạo là phần thường lớn nhất, "vòng hoa vinh quang" trong sự nghiệp hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng sôi nổi của ông.
Vận dụng tinh thần sáng tạo của Mác trong sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta đòi hỏi Đảng ta phải luôn quan tâm tới việc chăm lo phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; tăng cường việc xây dựng, củng cố Đảng; không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội; nâng cao trình độ tư duy lý luận của Đảng. Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn của đất nước, đề ra đường lối đổi mới đúng đắn... là điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện thắng lợi vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến