Nâng tầm và làm sâu sắc thêm đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam

Nâng tầm và làm sâu sắc thêm đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam
QĐND - Tầng sâu của toàn bộ nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” luôn quán xuyến một chủ đề lớn là cần phải sửa đổi lối làm việc của Đảng, trong đó thể hiện rõ Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển giá trị văn hóa dân tộc trên các vấn đề cơ bản, sâu sắc, mà nổi bật là: Tư tưởng vì dân; tư tưởng về đoàn kết, tương thân tương ái và tư tưởng chăm lo xây dựng con người.
Kế thừa, phát triển tư tưởng “thân dân”
“Thân dân” là tư tưởng được hình thành, phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. “Thân dân” là sự gần gũi, gắn bó với nhân dân. Nhà nước lấy dân làm gốc; biết dựa vào dân để dựng nước và giữ nước; đồng thời, phải biết chăm lo đến đời sống nhân dân. Tư tưởng “thân dân” được hình thành và phát triển rực rỡ ở các triều đại phong kiến hưng thịnh thời Lý, Trần, Lê, mà tiêu biểu nhất là trong tư tưởng của các bậc danh nhân đại tài như Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi.
Không chỉ kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc về tư tưởng “thân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát huy cao độ tư tưởng này trong thời đại mới. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người không chỉ nêu mục đích của Đảng, trách nhiệm cán bộ, đảng viên là phải phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân mà cần phải có lòng tin vào nơi dân. Người cho rằng: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được... Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Từ lòng tin vào nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo nào cũng phải có mối liên hệ chặt chẽ với dân chúng. Người cho đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó Đảng thắng lợi. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ rõ kinh nghiệm các địa phương là nơi nào công việc kém là vì cán bộ cách xa dân, không cùng dân bàn bạc, không giải thích cho dân. Người cảnh báo: “Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”.
Kế thừa tư tưởng “thân dân”, Người còn phát triển tư tưởng về dân chủ. Người cho rằng cách lãnh đạo của Đảng không được dân chủ cho nên không tranh thủ ý kiến của đảng viên và quần chúng, không phát huy được sáng kiến và lòng hăng hái của họ. Cũng vì không dân chủ nên cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau làm cho trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp, dưới thì không dám nói ra. Người còn chỉ ra có cán bộ không để cho dân phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí họ dìm ý kiến của quần chúng, họ chỉ làm theo ý kiến của họ, làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn. Từ những khuyết điểm về mất dân chủ đó, Người yêu cầu việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
Làm sâu sắc thêm tư tưởng đoàn kết trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân
Đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; là phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, trở thành đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam và hơn thế, là yêu cầu tất yếu để dân tộc và đất nước tồn tại, phát triển.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc và nâng lên tầm tư tưởng về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Khi phân tích về “bệnh hẹp hòi” của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Vì bệnh này mà trong thì nó ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết, ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Cũng vì bệnh này mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cũng vì “bệnh hẹp hòi” mà từ trước đến nay có sự lủng củng giữa bộ phận với toàn cục, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến, cán bộ quân sự và cán bộ “mặt trận”, cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác. Do đó, Người yêu cầu: “Vậy từ nay, chúng ta phải tẩy cho sạch cái bệnh nguy hiểm đó, khiến cho Đảng hoàn toàn nhất trí, hoàn toàn đoàn kết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phê phán “bệnh kéo bè, kéo cánh” và coi đó là một bệnh rất nguy hiểm, nó làm hại tới sự thống nhất. Nó làm Đảng mất đi các nhân tài, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ lẫn nhau. Do đó, Người nhấn mạnh phải thông qua phê bình và tự phê bình để tẩy trừ căn bệnh này, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Lựa chọn, kế thừa kế sách trị quốc của các triều đại phong kiến hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam, nhất là thời Lý, Trần, Lê; Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu toàn Đảng sửa chữa, đổi mới cách lãnh đạo: "Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng". Người nhấn mạnh: Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
Nâng tầm tư tưởng vì con người, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng
Kế thừa tư tưởng của các nhà quân sự, chính trị thời Lý, Trần, Lê; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người và rất chú trọng xây dựng đội ngũ cách mạng, trong đó đặc biệt xây dựng đạo đức cách mạng để họ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người cho rằng cán bộ có vai trò rất quan trọng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để cán bộ cách mạng hoàn thành được vai trò đó thì họ phải biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Họ phải có đạo đức cách mạng, có NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM, đó là “đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Theo Người, “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ”. Nhưng thương yêu cán bộ không phải vỗ về, nuông chiều, thả mặc, mà giúp họ học tập thêm, giúp họ giải quyết những khó khăn sinh hoạt hằng ngày; khi ốm đau cần được chăm nom, giúp đỡ để gia đình họ khỏi khốn quẫn... Thương yêu cán bộ là luôn chú ý tới công tác của họ, thấy họ có khuyết điểm giúp họ sửa chữa ngay.
 Để có đội ngũ cán bộ cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng phải hết sức chú trọng huấn luyện cán bộ, coi đó là công việc gốc của Đảng. Phải chú ý nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải đánh giá, lựa chọn, cất nhắc cán bộ đúng, biết trọng dụng nhân tài; phải khéo dùng cán bộ. Đặc biệt, phải luôn luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo, giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ. Đảng phải một mặt giáo dục đảng viên và cán bộ, mặt khác “kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố gắng sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ tư cách người cách mạng. Người yêu cầu: Những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi và những người cậy mình là “công thần cách mạng”, “hạng người nói suông” thì “cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ”.
70 năm đã qua, những nội dung trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị; tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ “làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO, Giám đốc Học viện Chính trị



Nhận xét

Bài đăng phổ biến