ĐỂ KHÔNG BỊ “CUỐN THEO”


Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển và đây là xu hướng của thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Mạng xã hội và internet ở Việt Nam hiện nay phát triển rất mạnh. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức của chúng ta. Các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng các trang mạng xã hội đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Xuyên tạc, bịa đặt, “đổi trắng thay đen”, đưa tin mập mờ,… vốn là thủ đoạn được các thế lực thù địch và bọn phản động thường dùng để chống phá nước ta. Những thủ đoạn đó lại đang được “tiếp sức” bởi internet, mạng xã hội nên càng nguy hiểm hơn. Vậy, chúng ta hãy cảnh giác và dè chừng!
Internet với đặc trưng nổi bật có nhiều trang mạng khác nhau mang tính cá nhân, tính tương tác cộng đồng cao nhưng lại là không gian ảo rất khó kiểm chứng, kiểm soát thông tin và các mối quan hệ. Vì vậy, người sử dụng Internet phải luôn tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng để không bị “cuốn theo”. Đặc biệt, với người dùng là cán bộ, chiến sỹ thì việc dùng Internet với các trang cá nhân để sử dụng nhưng có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị họ đang công tác. Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến đơn vị mình hoạt động nếu thiếu cân nhắc có thể gây ra những nguy hại khôn lường. Người sử dụng Internet cần nhận diện những trang báo, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và đang hàng ngày liên tục đăng tải những thông tin xấu độc; cần phải thận trọng, cảnh giác, sàng lọc thông tin. Không nên đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang web, trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc… vì những thông tin này rất khó kiểm chứng. Chỉ từ một đường link bịa đặt của một đối tượng xấu được đài, báo hải ngoại dẫn lại; không ít trang mạng xã hội trong nước đã chia sẻ, gây dư luận xấu, sự hoang mang trong dư luận.
Mặt khác, việc dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang báo điện tử, mạng xã hội phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dùng mạng xã hội không được dùng trang cá nhân chia sẻ, tổng hợp như một trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin đi kèm đường link mình chia sẻ; phải tự chắt lọc thông tin cho mình vì mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống; phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luậtvề thông tin mình đưa ra; phải tự trang bị kiến thức để chống lại những thông tin xấu, độc hại trên mạng, không để thông tin xấu lung lạc
 Thông tin xấu độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: Kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu,tán phát vi-rút…; thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đe dọa an ninh quốc gia...
Tác hại của những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội do các thế lực “mạng đen” tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ là đối tượng thường xuyên tiếp cận với  facebook.

Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục để mỗi cán bộ, người dân thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng cho mỗi người trước thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, cần tiếp tục gắn chặt chẽ với tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Chúng ta đã sử dụng đến giải pháp bức tường lửa để ngăn chặn thông tin phản động từ nước ngoài, nhưng trên thực tế chúng đã xây dựng rất nhiều website khác nhau làm cho chúng ta không thể kiểm soát, ngăn chặn được hoàn toàn những thông tin phản động đó. Vì vậy, để cảnh giác và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội hiện nay cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
         Một là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet.
         Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt 3 quan điểm, 10 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa X) và Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” trong nội bộ Đảng” gắn với yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống “DBHB” trong tình hình mới; tổ chức tốt học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trong tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trên Internet; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái, thù địch đó đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
      Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch lôi kéo, móc nối; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm, tư tưởng sai trái thẩm lậu vào đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào đơn vị, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng Internet một cách khoa học và đúng đắn.
      Hai là, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh trực diện của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình.
      Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén và là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch chúng ta phải cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch.
      Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cần bám sát nhiệm vụ chính trị; mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về đấu tranh chống “DBHB”, đặc biệt là trước các thông tin sai trái, thù địch trên Internet. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích trên một số tờ báo, tạp chí, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để địch dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ.
     Ba là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet
    Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet là cuộc chiến không khói súng, cuộc cách mạng của cả nền chuyên chính chống lại bọn phản động mà đối thủ nhiều khi không lộ diện, tính chất rất khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng. Chú trọng việc tham gia của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp…
    Bốn là, phát triển lực lượng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong đấu tranh trên mạng Internet
    Cần chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ mở rộng và phát triển lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet. Phát huy vai trò của các Blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Thành lập một số website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Chúng ta có điều kiện trực tuyến tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, quản lý kết nối mạng an toàn trong,  ngăn chặn các trang web, blog đăng tải những thông tin sai trái, thù địch, có nội dung phản động.
Việc chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội trong từng cơ quan, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, các lực lượng thực sự “vào cuộc”, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội tạo thành phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa internet lành mạnh, sẵn sàng tổ chức đấu tranh trực diện với những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến