Cuộc xâm lăng về chính trị, kinh tế và văn hóa trên mặt trận thông tin truyền thông.


Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với công nghệ thông tin truyền thông hiện đại mà Internet là nền tảng. Trong 20 năm qua, kể từ ngày 19-11-1997, khi Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính viễn thông Việt Nam bấm nút kết nối hệ thống mạng của Việt Nam với hệ thống Internet toàn cầu, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như các dịch vụ mạng ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ rất cao, đem lại nhiều tiện ích cho đời sống của người dân cũng như việc quản lý xã hội của Nhà nước, đóng góp đáng kể vào tốc đô tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi vị trí nước kém phát triển để vươn lên tầm các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, sự vật, hiện tượng nào cũng có mặt trái của nó. Cũng vào thời điểm mà Việt Nam kết nối mạng Internet toàn cầu, các tổ chức khủng bố quốc tế đã lợi dụng mạng Internet để tập hợp lực lượng, trao đổi các thông tin và ra mệnh lệnh về tổ chức các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở nhiều nơi trên thế giới mà đỉnh điểm là vụ khủng bố tòa tháp đôi WTC tại New York ngày 11-9-2001. Mỹ và các nước phương Tây buộc phải thắt chặt các hàng rào kiểm soát không gian mạng và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết trong lĩnh vực an ninh mạng nhằm tự bảo vệ chính mình.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 4 năm sau khi Việt Nam kết nối hệ thống mạng nội địa của mình với hệ thống Internet toàn cầu, vào tháng 3 năm 2001, các thế lực phản động lưu vong ở Mỹ do K’sor Kork cầm đầu được CIA giúp sức đã móc nói với các nhóm tàn quân FULRO cũ ở Tây Nguyên thông qua liên lạc Internet và tạo nên vụ bạo loạn đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Degar Tin Lành”. Vụ bạo loạn đã bị đập tan nhưng đã gây bất ổn nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tổn hại vật chất là đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2004, một lần nữa các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài lại sử dụng Internet để phát đi nhưng thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, hô hào người dân Tây Nguyên chống chính quyền, kêu gọi họ bỏ chạy sang Campuchia hòng tạo nên một vụ “nạn nhân của cộng sản Việt Nam”, tiếp tục gây bất ổn cho an ninh quốc gia của Việt Nam.

Theo thống kê từ cơ quan An ninh mạng, chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi tháng có hàng trăm tin, bài, clip tung lên mạng internet những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, bôi nhọ cá nhân và tổ chức, thậm chí là ra mặt chống đối chính quyền, mượn danh yêu nước để phá hoại quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mượn danh chống tham nhũng để đòi lật đổ chế độ chính trị hiện hành. Những tin, bài, clip này chủ yếu được phát trên hai trang mạng Facebook và Youtube, hai trang mạng được nhiều người Việt Nam (cả ở trong và ngoài nước) sử dụng. Tuy nhiên, khi Cơ quan An ninh Việt Nam yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin về địa chỉ những “khách hàng bất hảo này” thì họ từ chối. Vì máy chủ của các trang này đặt ở nước ngoài (cụ thể là ở Mỹ) nên Cơ quan An ninh điều tra Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi đối phó.

Trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, việc kết nối mạng Internet đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong quản lý tài chính tiền tệ. Nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước đã rao bán tiền VND giả trên các trang mạng xã hội, đã sử dụng việc buôn bán, trao đổi thông tin thương mại trên mạng để trốn thuế và che giấu nhiều hành vi phạm pháp khác. Tiến trình phá nhiều vụ án rửa tiền ở nước ngoài, buôn bán chất ma túy, buôn lậu, đánh bạc xuyên quốc gia… rơi vào bế tắc vì các nhà cung cấp dịch vụ mạng từ chối hợp tác với Cơ quan Cảnh sát điều tra của Việt Nam, ngay cả khi có “trát” của Interpol.

Trong lĩnh vực văn hóa, các thông tin xấu độc vẫn hang ngày lan tràn trên các tuyến thông tin, những trang web khiêu dâm, kích động bạo lực, tuyên truyền cho lối sống sa đọa… vẫn chưa bị ngăn chặn triệt để đã làm băng hoại đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là làm tha hóa lớp trẻ, những người chỉ trên dưới 30 tuổi mà theo Tổ chức dân số thế giới, là lớp người có khả năng lao động lớn nhất, đóng góp nhiều nhất cho xã hội.

Ngay tại lĩnh vực an toàn thông tin, trong 5 năm gần đây cũng xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trung bình hàng tháng có vài chục vụ tấn công của tin tặc từ nước ngoài vào các hệ thống truyền thông, vào các trung tâm dữ liệu của các ngân hàng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức tư nhân, các trang báo mạng, thông tin mạng. Những cuộc tấn công ấy nhằm đánh cắp thông tin, dữ liệu, hoặc phá hoại sự hoạt động bình thường của hệ thống, hoặc với cả hai mục đích. Nếu như những cuộc tấn công mạng trên diện rộng có thể dễ dàng bị kiểm soát và vô hiệu hóa bởi những quy định chia sẻ thông tin chống mã độc của các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới thì những cuộc tấn công kiểu “sói đơn độc” nhằm vào một khu vực hẹp, thậm chí chỉ vào một hệ thống máy chủ ở trong nước khó kiểm soát và khống chế hơn nhiều.

Những biểu hiện trên đây thực sự là một cuộc xâm lăng phi truyền thống cả về chính trị, kinh tế và văn hóa thông qua môi trường Internet. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước nhưng thách thức gay go trong việc bảo đảm an ninh mạng, bảo đảm an toàn thông tin của mình mà nếu thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh, các cơ quan chức năng sẽ thiếu những vũ khí để bảo vệ xã hội, để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến