VẤN NẠN CỦA MẠNG XÃ HỘI

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, internet, mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ. Chính vì vậy, mạng xã hội đang ngày càng có những tác động sâu rộng tới mọi mặt trong cuộc sống. Bên cạnh những tiện ích, những tác động cực, không thể phủ nhận mạng xã hội cũng đem đến nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho cá nhân và cộng đồng.
Khi thế hệ “công dân mạng” ngày càng có xu hướng tự do thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân trên các ứng dụng của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube... những “phát ngôn gây sốc”, “phát ngôn gây thù ghét” cũng theo đó mà có mức độ, tần suất xuất hiện ngày càng gia tăng. Với những hậu quả không dễ dàng đo đếm, phát ngôn gây thù ghét hiện là một trong những vấn nạn toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt trong Kỷ nguyên Số, không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới.

* “Phát ngôn gây thù ghét” ngày càng trở nên phổ biến
Tại mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới, tùy thuộc vào những mâu thuẫn nội tại, yếu tố văn hóa và quan điểm chính trị mà “phát ngôn gây thù ghét” được định nghĩa và bao trùm những khía cạnh khác nhau. Tại Việt Nam, phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức song nhiều nhất là phỉ báng và bịa đặt thông tin. Hiện có đến hơn 61% người dùng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và hơn 46% trong số này từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Điều đáng nói là nạn nhân của những phát ngôn này chưa tìm được cách thỏa đáng xử lý hậu quả mà gần như là đành cam chịu “miệng lưỡi thế gian”. Thống kê cho thấy 56,1% người bị hại yêu cầu gỡ thông tin sai trái đã đăng tải, 43,6% yêu cầu đối tượng phát ngôn đăng thông tin cải chính. 38,2 % người bị hại yêu cầu cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp bảo vệ và 24.2% đề nghị khởi kiện đối tượng phát ngôn gây hại tại tòa án Việt Nam.
Khi tràn lan trên mạng xã hội, những phát ngôn gây thù ghét ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết cần có sự quản lý bởi rất nhiều trường hợp phát ngôn nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Nghiên cứu trên 1000 mẫu khảo sát, Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội mới đây đã công bố kết quả là có đến 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Mạng xã hội có thể trở thành công cụ miễn phí, vô hình mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.
* Chung tay xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng
          Nhận thấy sự gia tăng về mức độ cũng như tính chất nghiêm trọng của những phát ngôn gây thù hận, mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn các đơn vị tổ chức Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”.
Đây là một trong những diễn đàn để thu nhận ý kiến từ nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng và doanh nghiệp về các giải pháp khả thi để hướng tới các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội và tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn nữa từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho người sử dụng ở Việt Nam với sự kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp nền tảng ứng dụng công nghệ lớn như Google, Facebook... cùng hợp tác để hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử này.
Năm 2016, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu”. Rõ ràng, tại các nước phát triển, ngoài các quy định pháp lí cụ thể và nghiêm khắc, các biện pháp nhằm vào việc xử lí nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm là điều cần thiết được tiến hành. Còn tại Việt Nam, hiện nay các mạng xã hội đang có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam như Facebook, Youtube... nhưng các nhà cung cấp dịch vụ lại cho rằng họ không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những nội dung phát ngôn xấu được đăng tải. Bởi lẽ trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận. Do người dùng không chú ý đến các chức năng nêu trên, thực tế khi phát ngôn được tung ra, vấn đề việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.
Đã đến lúc cần có những chế tài “buộc” nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét để hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng là không dễ, do đó, việc giáo dục ý thức cũng như giá trị văn hóa, mỹ tục để xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Các chuyên gia về các vấn đề xã hội cho rằng cần kết hợp những biện pháp mềm mang tính đạo đức và giáo dục với đề xuất xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”.
         Việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cứng rắn và cụ thể hơn để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề phát ngôn gây thù hận cũng cần được thực hiện từ cơ quan quản lý đến các đơn vị liên quan.
-NTT-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến